Cập nhật quy định chở hàng bằng xe tải mới nhất 2025 và mức xử lý vi phạm

Hiện nay, xe tải là phương tiện chở hàng hóa lưu thông phổ biến trên mọi nẻo đường. Tuy nhiên, không phải tài xế xe tải nào cũng nắm vững quy định vận chuyển của Luật giao thông và thực hiện đúng. Chính vì vậy, có không ít những trường hợp do thiếu cập nhật thông tin dẫn đến bị xử phạt. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các quy định chở hàng bằng xe tải mới nhất ngay sau đây.

Quy định về kích thước xếp hàng hóa lên xe tải

Căn cứ vào Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT quy định về kích thước khi xếp hàng lên xe tải như sau:

Quy định về chiều cao 

  • Đối với các xe tải thùng có mui như thùng kín, thùng bảo ôn, thùng đông lạnh… Chiều cao xếp hàng cho phép được giới hạn trong phạm vi thùng xe nguyên bản của hãng sản xuất hoặc theo thiết kế nâng cấp, cải tạo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
  • Đối với xe tải thùng hở không mui như thùng lửng, thùng bạt… Hàng hóa trong quá trình vận chuyển phải được chằng, buộc chắc chắn, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi lưu thông.

Tuy nhiên, tùy theo khối lượng của loại hàng hóa vận chuyển mà có quy định cụ thể về   chiều cao hàng hóa xếp trên xe như sau: 

  • Đối với xe có trọng tải dưới 2.5 tấn, chiều cao xếp hàng hóa không được vượt quá 2.8m.
  • Đối với xe có trọng tải từ 2.5 tấn đến 5 tấn, chiều cao xếp hàng hóa không được vượt quá 3.5m.
  • Đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên, chiều cao xếp hàng không được vượt quá 4.2 mét.
  • Đối với xe chuyên dùng và container không được phép vượt quá 4.35 mét.
Hàng hóa xếp lên xe tải không được vượt quá chiều cao cho phép
Hàng hóa xếp lên xe tải không được vượt quá chiều cao cho phép

Quy định về chiều cao xếp hàng hóa đối với tất cả các xe tải chở hàng được đo cụ thể thông qua công cụ đo lường như thước mét hoặc thước hồng ngoại. Khoảng cách đo sẽ được tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy lên đến điểm cao nhất của hàng hóa chất trên xe.

Xem thêm: Câu hỏi thường gặp khi vận chuyển hàng hóa bằng xe tải.

Quy định về chiều rộng

Quy định về chiều rộng hàng hóa trên xe không được vượt quá chiều rộng thùng xe theo thiết kế nguyên bản hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan chức năng phê duyệt

Vì vậy, tùy theo kích thước thùng của từng loại xe, tài xế hoặc chủ phương tiện vận chuyển có thể thực hiện kiểm tra bằng cách đo chiều rộng của thùng để xếp hàng theo đúng quy định.

Quy định về chiều dài

Chiều dài hàng hóa trên xe không được lớn hơn 1.1 lần chiều dài toàn bộ xe. Kích thước xe chuẩn tuân theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế bổ sung đã được cơ quan nhà nước phê duyệt.

Mức giới hạn chiều dài tối đa cho phép là 20 mét.

Trong trường hợp chở hàng dài vượt ra ngoài thùng xe yêu cầu phải có báo hiệu cảnh bảo và đảm bảo chằng buộc cẩn thận hàng hóa để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Chủ phương tiện hoặc tài xế có thể đo chiều dài hàng hóa chia cho 1.1 và so sánh với chiều dài quy định của phương tiện để nắm được chiều dài quy định đối với phương tiện của mình

Mức xử lý vi phạm đối với xe tải chở hàng quá khổ 

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà có mức xử phạt tương ứng. Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt của xe chở quá khổ giao động từ 2 đến 50 triệu đồng. Cụ thể như sau:

  • Phạt từ 2-3 triệu đồng đối với các hành vi không thực hiện đúng quy định theo Giấy phép lưu thông.
  • Phạt từ 8-10 triệu đồng đối với xe vượt quá khổ giới hạn của cầu đường và không có giấy phép.
  • Phạt từ 40-50 triệu đồng đối với các hành vi chuyển tải hoặc đối phó để trốn tránh trách nhiệm khi phát hiện xử lý vi phạm

Tất cả các trường hợp trên ngoài bị phạt tiền, đơn vị vận tải còn phải dỡ bỏ phần hàng hóa quá khổ theo đúng quy định.

Xem thêm: 4 lợi ích khi vận chuyển hàng hóa bằng xe tải có thể bạn chưa biết

Quy định về trọng tải của xe khi vận chuyển

Theo Thông tư số 35/2023/TT-BGTVT quy định chi tiết về trọng tải của xe trong quá trình lưu thông như sau:

Quy định về trọng tải xe

Theo quy định của Luật giao thông vận tải, các phương tiện chở hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt tải trọng cho phép.

  • Đối với xe tải dưới 5 tấn: Khối lượng hàng hóa được phép chở không được vượt quá 10% tải trọng cho phép.
  • Đối với xe tải trên 5 tấn: Khối lượng hàng hóa được phép vận chuyển không được vượt quá 5% tải trọng cho phép.

Để kiểm tra một cách chính xác tải trọng cho phép, tài xế hoặc chủ xe có thể kiểm tra thông số được ghi trên Giấy chứng nhận đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

Tải trọng cho phép được tính là khối lượng bao gồm cả xác xe và hàng hóa trên xe. Cân xe tại các trạm cân là hình thức để kiểm tra tải trọng xe được áp dụng phổ biến hiện nay.

Xe tải khi tham gia giao thông không được chở quá tải trọng
Xe tải khi tham gia giao thông không được chở quá tải trọng cho phép

Mức xử lý vi phạm

Theo Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt của xe chở vượt trọng tải như sau:  

  • Phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi chở quá tải từ 10-30%.
  • Phạt tiền từ 3.000.000-5.000.000 đồng đối với hành vi chở quá tải từ 30-50%.
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng đối với hành vi chở quá tải từ 50 đến 100%.
  • Phạt tiền từ 7.000.000 đến 8.000.000 đồng đối với hành vi chở quá tải từ 100 đến 150%.
  • Phạt tiền từ 8.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với hành vi chở quá tải trên 150%.

Ngoài ra tài xế có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-5 tháng tùy từng trường hợp và buộc tháo dỡ bớt hàng hóa theo đúng trọng tải quy định.

Xem thêm: Công ty cần thuê xe tải: Những kinh nghiệm nhất định phải biết

Quy định về các loại giấy tờ cần thiết cho xe tải trong quá trình vận chuyển

Theo khoản 2 điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định tài xế chở hàng bằng xe tải bắt buộc phải mang theo các giấy tờ liên quan bao gồm giấy cấp phép vận tải, giấy tờ về hàng hóa và một số giấy tờ phương tiện:

Giấy tờ phương tiện

Giấy tờ phương tiện bao gồm:

  • Giấy đăng ký xe 
  • Giấy phép lái xe
  • Giấy kiểm định còn hiệu lực
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Giấy tờ vận tải

Giấy tờ vận tải yêu cầu phải có đầy đủ thông tin như sau:

  • Có dấu đỏ do đơn vị vận tải phát hành. Trường hợp là hộ kinh doanh cần có chữ ký của chủ hộ.
  • Có chữ ký của đại diện xác nhận xếp hàng đúng quy định.
  • Có đầy đủ thông tin về Tên đơn vị vận tải, biển kiểm soát, hành trình, số hợp đồng, chủng loại và khối lượng hàng hóa vận chuyển trên xe.

Giấy tờ về hàng hóa

Giấy tờ hàng hóa bao gồm:

  • Phiếu xuất kho hoặc hóa đơn bán hàng.
  • Giấy chứng nhận thẩm định chất lượng (nếu có).

Tất cả các giấy tờ trên cần được chuẩn bị đầy đủ và có thể xuất trình ngay khi có yêu cầu kiểm tra của cảnh sát giao thông.

Xem thêm: Tất tần tật về lệnh vận chuyển hàng hóa & mẫu lệnh vận chuyển

Khi tham gia lưu thông tài xế xe tải cần cung cấp giấy phép về phương tiện, hàng hóa, giấy tờ vận tải
Khi tham gia lưu thông tài xế xe tải cần cung cấp giấy phép về phương tiện, hàng hóa, giấy tờ vận tải

Mức xử lý vi phạm 

Điểm b, khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định chi tiết mức xử lý vi phạm như sau:

  • Phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 với hành vi không mang theo giấy phép lái xe.
  • Phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 với hành vi không mang theo giấy đăng ký xe..
  • Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 với hành vi không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
  • Phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 với hành vi không mang theo giấy vận tải.

Xem thêm: Kinh nghiệm thuê xe tải chở hàng giúp tiết kiệm chi phí từ A-Z

Quy định về tuân thủ nguyên tắc an toàn khi vận chuyển hàng hóa

Theo Điều 4 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải như sau.

Quy định về an toàn

Trong quá trình vận chuyển hàng hóa yêu cầu xe tải chở hàng phải tuân thủ đúng Luật giao thông đường bộ đồng thời thực hiện các hướng dẫn an toàn sau:

  • Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị nguyên bản của xe như hệ thống phanh, dây đai, lốp, gương chiếu hậu…. 
  • Trang bị thêm các thiết bị cần thiết trong trường hợp sự cố khẩn cấp như bình cứu hỏa, túi cứu thương…:

Xử lý vi phạm

Việc không tuân thủ Luật an toàn giao thông, khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện sẽ xử phạt theo quy định của Luật. Mức phạt sẽ tương ứng theo từng trường hợp cụ thể. Hình thức phạt bao gồm:

  • Răn đe, nhắc nhở
  • Phạt tiền
  • Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe
  • Đình chỉ xe hoạt động
  • Truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại nghiêm trọng.

Quy định về khung giờ cấm xe tải tại khu vực TPHCM

Căn cứ Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND về khung giờ cấm tải khu vực nội đô tại TPHCM như sau:

Quy định giờ cấm xe tải

  • Xe tải có khối lượng vận chuyển từ 1.5 tấn đến 2.5 tấn giờ cấm tải từ 6h00 đến 9h00 và từ 16h00 đến 20h00 hàng ngày.
  • Xe tải từ 2.5 tấn trở lên cấm tải từ 6h00 đến 22h00.

Khu vực nội đô áp dụng được tính theo các tuyến sau:

  • Hướng Đông: Từ giao lộ Quốc lộ 1 đến nút Cát Lái-đường Mai Chí Thọ-đường Đồng Văn Cống đến Võ Chí Công.
  • Hướng Nam: Từ đường Võ Chí Công – cầu Phú Mỹ- Nguyễn Văn Linh
  • Hướng Bắc và hướng Tây: Quốc lộ 1- đường Nguyễn Văn Linh

Xử lý vi phạm

Xe tải đi vào các cung đường cấm giờ trái quy định sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng, ngoài ra còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Hy vọng những thông tin về quy định chở hàng bằng xe tải mới nhất sẽ trang bị thêm cho doanh nghiệp nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu có nhu cầu thuê xe tải chở hàng hay vận chuyển hàng hóa tại TPHCM, quý khách hàng có thể liên hệ ngay đến Vận Tải Lefo để được tư vấn miễn phí